Trong văn hoá dân gian Nhật Bản có nhiều vị thần ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân, trong đó có Thất Phúc Thần – 7 vị thần may mắn của người Nhật. Họ thường được nhắc đến trong ngày tết O-shogatsu (Chính nguyệt) – một trong số những ngày lễ quan trọng của năm, thường được tổ chức vào mùa xuân.
Thất Phúc Thần được xem là sự pha trộn giữa một vị thần Ebisu của Nhật Bản và các vị thần có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo của Ấn Độ và Phật giáo của Trung Quốc. Trong tiếng Nhật, họ được gọi là “Shichifukujin”, sự kết hợp của “thất”, “phúc”, và “thần”.
Thất Phúc Thần được cho là xuất hiện sau thời Chiến quốc (Sengoku jidai, bắt đầu từ giữa thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 16) để thể hiện mong ước thái bình của dân chúng. Theo người Nhật, các vị thần tiên này sẽ xuống trần vào đêm giao thừa và ở lại trong 3 ngày đầu năm mới. Người ta thường mô tả Thất Phúc Thần cùng đi trên một chiếc thuyền chất đầy châu báu gọi là “Takarabune” (Bửu thuyền – thuyền chở của quý). Thất Phúc Thần sẽ ghé thăm các khu làng vào dịp Tết đến và phát quà cho những người xứng đáng. Trẻ con thì được nhận lì xì có trang trí hình chiếc thuyền Takarabune. Vì thế, để đem lại điều tốt lành, người lớn thường tặng cho trẻ em những bức tranh vẽ hoặc phong bao lì xì có hình bảy vị thần ngồi trên thuyền.
Ngoài ra, trong văn hóa Nhật Bản cũng xuất hiện những những vật mang ý nghĩa phúc lành dựa trên câu chuyện về Thất Phúc Thần, đó là: Chìa khóa nhà kho của các vị thần, Chiếc mũ tàng hình, Ví đầy ắp tiền, Búa của thần Daikoku, Áo mưa rơm bảo vệ người mặc khỏi linh hồn ma quỷ, Ngọc quý, Bao tải và hộp đựng tiền vàng, Cuộn vải thổ cẩm, Đồng xu.
Thất Phúc Thần cũng được xem là các vị thần gần gũi với tầng lớp nhân dân, vì thế họ thường gắn liền với những thứ quen thuộc với cuộc sống như lúa, gạo, cá… Tương truyền, lần lượt 7 vị phúc thần này bao gồm:
Daikokuten (Đại Hắc Thiên) là hiện thân của thần Mahākāla (hay còn gọi là thần Shiva) ở Ấn Độ. Đây là vị thần của sự giàu có, đại diện cho nông nghiệp và vụ mùa bội thu. Ông là vị thần đứng đầu trong Thất Phúc Thần. Trong quan niệm của người Nhật, Daokokuten được xem như “Ông Táo”, cai quản ở bếp. Daikokuten có nước da ngăm đen, miệng lúc nào cũng mỉm cười, thường chít khăn vải trên đầu, đứng hoặc ngồi trên hai bao gạo, tay phải mang vồ nhỏ bằng gỗ có thể ban điều ước, trên vai mang một túi báu vật.
Bishamonten (Tỳ Sa Môn Thiên) cũng là vị thần có nguồn gốc từ Đa Văn Thiên Vương trong Ấn Độ giáo. Ông là thần tài kiêm thần chiến tranh. Ông thường mang lại điềm may trong chiến loạn cũng như trong thời thái bình. Thần thường giúp giữ gìn của cải cho người xứng đáng. Thần Bishamonten mặc áo giáp, tay cầm vũ khí và một ngọn tháp thu nhỏ. Đây là ngọn tháp của cải mà ông đi ban phát cho con người.
Hotei (Bố Đại) bắt nguồn từ một Thiền tang thời Hậu Lương, tên Khế Tỷ. Ông có dung mạo phúc đức, thân hình to béo, trên tay cầm một cây quạt lông, trên vai mang đãy gạo không bao giờ cạn. Đặc biệt, miệng của vị thần này lúc nào cũng tươi cười, vì thế mà thần còn có biệt danh là “Ông Phật cười”. Thần Hotei là vị thần của hạnh phúc và của cải dồi dào, là hóa thân của Di lặc Bồ Tát trong Phật giáo. Đây là vị thần duy nhất dựa trên một nhân vật lịch sử – một nhà sư Trung Quốc sống vào đầu thế kỷ thứ 10.
Fukurokuju (Phúc Lộc Thọ) là vị thần của trí tuệ, hạnh phúc, phú quý và trường thọ. Vị thần này xuất hiện với chòm râu dài, vầng trán cao và mặc trang phục Trung Hoa xưa. Biểu tượng của thần có nai, rùa và hạc.
Jurojin (Thọ Lão Nhân): Vị thần có xuất xứ Trung Hoa, được cho là sống vào thời Tống. Ông là vị thần xuất hiện với bộ râu tóc trắng, tay chống trượng, tay ôm trái đào. Đây là vị thần mang lại sự trường thọ. Thần Jurojin đại diện cho sự trường thọ, trí tuệ và sức khỏe.
Benzaiten (Biện Tài Thiên) – vị nữ thần duy nhất trong Thất Phúc Thần, đại diện cho sự thông thái, nghệ thuật và cái đẹp. Thần thường ngồi hoặc đứng trên lá sen, hoặc cưỡi bạch long, rắn biển, rắn thường và xuất hiện với cây tì bà Nhật Bản trên tay. Thần Benzaiten thường được các nghệ nhân, ca sĩ và những quán ăn thờ cúng.
Ebisu (Huệ Bỉ Tu): đây là vị thần đặc biệt nhất trong Thất Phúc Thần và nhận được sự yêu mến của nhiều người Nhật, bởi đây là vị thần bản địa. Thần Ebisu là con đầu lòng của 2 vị thần khai sinh ra Nhật Bản: Izanagi và Izanami. Thần Ebisu vốn là thần bảo hộ biển cả được ngư dân thờ phụng. Sau đó, thần Ebisu dần dần trở thành vị thần thương nghiệp phù hộ buôn bán. Người dân cúng bái thần Ebisu với mong muốn được làm ăn phát đạt. Thần Ebisu có khuôn mặt hiền hậu, nụ cười rạng rỡ, tay trái cầm một con cá, tay còn lại cầm cần câu cá và đội một cái mũ có chóp nhọn. Ebisu cũng là vị thần của đức tính trung thực.
Mặc dù là các vị thần trong văn hóa dân gian, nhưng Thất Phúc Thần còn xuất hiện trong văn hóa nghệ thuật. Điển hình như nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ kích cỡ nhỏ Netsuke. Các tác phẩm điêu khắc thu nhỏ hình của các vị thần được chạm khắc trên gỗ và được xem là Enigimono không thể thiếu những dịp đầu năm mới trong các gia đình Nhật Bản.
Ngoài ra, Thất Phúc Thần cũng phổ biến trong các bài hát, tranh vẽ và nhà hát dân gian Nhật Bản. Ngày nay, giấy dán và hình ảnh của các vị thần vẫn vô cùng phổ biến, người ta chọn mua về để mang lại may mắn cho gia đình. Trong các cửa hàng và nhà hàng, người ta thường trưng tượng của một hoặc tất cả Thất Phúc Thần để việc làm ăn may mắn thuận lợi.
Hàng năm, vào những ngày đầu năm mới, người Nhật lại thực hiện việc hành hương đến đền của 7 vị thần. Trước đây mọi người xe đi bộ đến các ngôi đền, nhưng hiện nay các phương tiện giao thông khác được sử dụng để rút ngắn thời gian. Trong lúc viếng đền, người ta hay mua một cuốn sách đặc biệt gọi là “Kinen Shikishi” để sưu tầm các dấu mộc Shuin của từng ngôi đền mà mình đã đi qua. Có nhiều cách để đi nhưng không cần thiết đi như thế nào, miễn là viếng đủ các ngôi đền thờ từng vị thần trong Thất Phúc Thần là được.
Đất nước, văn hoá và con người “xứ Phù Tang” còn có nhiều nét thú vị đang chờ đón du khách đến khám phá và trải nghiệm. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không thực hiện ngay một chuyến du lịch Nhật Bản?