Thú vị về từ “Suimasen” mà hầu hết người Nhật đều nói mỗi ngày

Suimasen 4

Trên một diễn đàn tại Nhật Bản, có một cuộc khảo sát vui hỏi rằng: “Cả đời người, đâu là câu nói được dùng nhiều nhất?”. Kết quả thống kê từ nhiều phải hồi rất thú vị: “Suimasen” là từ quan trọng mà hầu hết người Nhật đều nói mỗi ngày và xuyên suốt cả đời.

Suimasen là kết quả của việc bỏ phụ âm ‘m’ trong “Sumimasen”. Suimasen là từ có ý nghĩa mạnh mẽ nhất trong tiếng Nhật vì nó có thể có nghĩa là “xin lỗi”, “xin làm phiền” và thậm chí “cảm ơn” phụ thuộc vào các tình huống khác nhau.

Suimasen 3

Đầu tiên, cách dùng của “Suimasen” là để xin lỗi. Người Nhật sẽ dùng từ này khi làm phiền người khác. Ví dụ như trong đời sống hàng ngày, những tình huống nhẹ nhàng như khi vô tình va chạm, khi gây vướng lối đi người khác… “Suimasen” là cách xin lỗi phổ biến được sử dụng. Hoặc trong công việc cũng vậy, cách xin lỗi này được sử dụng ở các tình huống mà bản thân đã gây ra rắc rối như: khi trễ giờ hẹn, khi nhầm địa điểm, hay khi tài liệu bị lỗi,…

“Suimasen” còn được dùng khi muốn gọi hay muốn nhờ sự giúp đỡ của ai đó. Ví dụ như: Khi muốn gọi nhân viên bồi bàn, hay khi có thắc mắc muốn hỏi cấp trên,… Trường hợp này, “Suimasen” giống với “Excuse me” trong tiếng Anh vậy.

Suimasen 1

Như khi muốn gọi đối phương để hỏi điều gì đó, thay vì nói “質問があるのですが、今お時間良いですか?” (Tôi có chút thắc mắc, bây giờ anh có rảnh không?) thì nói “すみません、今お時間良いですか?質問したいことがありまし” (Xin lỗi, bây giờ anh có rảnh không, tôi có chút thắc mắc muốn hỏi) sẽ để lại ấn tượng tốt hơn nhiều đấy!

Có khá nhiều người Nhật sẽ nói “Suimasen” khi nhận được sự giúp đỡ nào đó từ người khác. Nếu là người nước ngoài sẽ rất ngạc nhiên vì người Nhật đó có làm gì sai đâu mà phải xin lỗi.

Trong trường hợp này người Nhật muốn thể hiện “お手間をとらせてすいません” – otema wo torasete suimasen. Có nghĩa là “xin lỗi vì đã khiến bạn phải mất công đến như vậy”. Đó là tinh thần khiêm tốn của dân tộc Nhật Bản. Vì vậy, “Suimasen” không đồng nghĩa với sự xin lỗi.

Suimasen 2

Lòng hiếu khách – Omotenashi của người Nhật được đại diện bởi việc ưu tiên đối phương hơn chính bản thân mình. Đây là bắt nguồn của việc người Nhật thường dùng “Suimasen” để thể hiện sự tôn trọng, để lo lắng hay sự đồng cảm dành cho đối phương. Do đó, ở đó nó thể hiện sự biết ơn chứ không phải là hối lỗi.

Vậy tại sao lại không nói “Arigatou” mà lại nói “Sumimasen”? Đó là vì “Arigatou” mang cảm giác người kia làm vậy là điều đương nhiên. Trong khi đó, “Suimasen” lại khiến đối phương có cảm giác được người nói mang ơn và thành thật thứ lỗi vì làm phiền.

Đến “xứ Phù Tang”, du khách mới thấy từ “Suimasen” vang lên khắp nơi trong sinh hoạt, nhiều đến nỗi nó trở thành nét đẹp của con người Nhật Bản. Nếu du khách chuẩn bị du lịch Nhật Bản thì việc ghi nhớ những văn hóa như thế này là điều rất quan trọng.