Trải nghiệm tuyệt vời với lễ hội Gion ở Nhật Bản

Nhật Bản được biết đến là một quốc gia với nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống dân gian. Trong đó, Gion-Matsuri là một trong những lễ hội lớn nhất của “xứ Phù Tang” được diễn ra vào thời điểm tháng 7. Đây là một trong những điểm nhấn đặc trưng vào mùa hè ở Kyoto thu hút đông đảo khách du lịch.

Lễ hội Gion (Gion-Matsuri) được tổ chức tại đền Yasaka ở Kyoto là một trong ba đại lễ hội kiệu rước của “xứ Phù Tang”. Hàng năm, lễ hội này được diễn ra từ ngày 01/07 đến 31/07, kéo dài suốt một tháng với rất nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút rất nhiều du khách tham quan, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế du lịch ở Kyoto.

Lễ hội này đã có lịch sử hình thành 1.000 năm. Nó ra đời bắt nguồn từ việc cầu nguyện thần linh phù hộ tránh khỏi thiên tai dịch bệnh. Thực tế thì vào năm 869, một dịch bệnh đáng sợ đã lan tràn trên khắp Nhật Bản cướp đi tính mạng của vô số người. Đứng trước sự yêu cầu của người dân, hoàng đế Seiwa đã quyết định cầu khẩn thần linh dập tắt dịch bệnh. Hoàng đế đã cho làm 66 cỗ xe cực kỳ tinh xảo và xa hoa tượng trưng cho 66 tỉnh thành thời bấy giờ và tới đền thờ Yasaka ở Kyoto để gửi lời cầu nguyện đến với các vị thần. Sau khi hoàng đế Seiwa tiến hành cầu khẩn thần linh, dịch bệnh dần bị đẩy lùi. Từ đó, người dân ở Kyoto thường xuyên tổ chức lễ hội rước kiệu từ đền Yasaka cầu chúc cho Nhật Bản tránh khỏi thiên tai dịch bệnh.

Từ sau năm 869, lễ hội Gion cũng được tổ chức nhưng không phải năm nào cũng diễn ra. Tới năm 970, lễ hội Gion đã trở thành lễ hội thường niên ở Kyoto. Thế nhưng, vào thời nội chiến Onin (1467-1477), lễ hội từng bị tạm ngưng những 33 năm và được đưa trở lại từ năm 1500. Sau thời gian này, hàng năm lễ hội Gion đều được tổ chức và quy mô ngày một lớn hơn. Với ý nghĩa và giá trị truyền thống lâu đời của lễ hội Gion, UNESCO đã công nhận lễ hội Gion là “Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”.

Một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của lễ hội Gion là hoạt động lễ diễu hành Yamaboko Yunko được tổ chức vào ngày 17/07. Trong lễ diễu hành có sự xuất hiện của 33 chiếc kiệu độc đáo (trong đó có 23 kiệu Yama, 9 kiệu Hoko và 1 kiệu Yamaboko). Với cách lắp ráp, trang trí bằng nhiều món đồ thủ công tinh xảo cùng nhiều đồ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản, chiếc kiệu như một tác phẩm văn hóa đặc sắc được người dân bảo vệ và lưu giữ đến ngày nay.

Hoko là loại kiệu hai tầng, trọng lượng khoảng từ 7-9 tấn (có khi lên đến 12 tấn), chiều cao lên đến 25m, kiệu có 4 bánh xe, đường kính khoảng 1,9m. Để di chuyển kiệu khổng lồ này, người ta cần đến 40-50 người kéo kiệu gọi là “Hikiko”, 4 người ngồi trên mái của kiệu để kiểm soát di chuyển gọi là “Yanekata”, 2 người đứng trước hô khẩu hiệu gọi là “Ondori”, ngoài ra tầng hai còn có đến 35-40 người đứng trên kiệu chơi nhạc cụ để lễ hội thêm phần khí thế. Kiệu Yama thì nhỏ hơn với trọng lượng thường dưới 1 tấn được khoảng hơn 14-24 người đỡ trên vai khiêng đi. Trên kiệu Yama được trang trí búp bê, dù giấy, cây trừ tà…

Yamaboko là loại kiệu lớn nhất với chiều cao lên đến 25m và nặng tới 12 tấn. Vào tâm điểm của lễ hội là ngày 17 và ngày 24/07, cũng chính là ngày kiệu Yamaboko được rước đi khắp các con đường. Vì chiều cao của kiệu quá lớn nên tỉnh Kyoto đã phải rất khó khăn để “dọn đường” cho kiệu đi qua. Một số nơi thậm chí còn thiết kế lại các công trình công cộng có khả năng thu gọn lại chỉ để phục vụ cho Yamaboko đi qua vào lễ hội hàng năm. 33 cỗ kiệu này sau lễ hội sẽ được dỡ ra chứ không để nguyên và năm sau vào mùa lễ hội chúng lại được ghép lại thành những cỗ kiệu hoàn chỉnh.

Ngoài lễ diễu hành Yamaboko Yunko, lễ hội Gion còn có rất nhiều hoạt động chuẩn bị, vui chơi, hội họp rất phong phú như: Omukae-Chochin (nghi lễ đám rước được tổ chức để chào đón các Mikoshi – đền thờ di động), Mikoshi-Arai (nghi thức thanh tẩy Mikoshi), Lễ dựng kiệu Hoko và Yama, Gion Bayashi (các buổi lễ thử kéo kiệu Hoko và Yama), Lễ viếng thăm điện thờ của những đứa trẻ chigo (trẻ em làm nhiệm vụ giúp đỡ các nhà sư trong việc cử hành các nghi lễ, ca hát) của Ayagasaboko, các cuộc diễu hành đèn lồng,… Trong đó, nổi bật là 3 đêm trước lễ diễu hành (Yoiyama), gồm: ngày 14 – Yoiyoiyoiyama, ngày 15 – Yoiyoiyama và ngày 16 – Yoiyama. Bên cạnh đó, các buổi biểu diễn kịch Kyogen, nghi thức cắt dây, múa trừ tà Iwami Kagura, triển lãm các bảo vật gia truyền của người dân địa phương cũng được tổ chức.

Trong thời gian lễ hội, ngoài chiêm ngưỡng các hoạt động phong phú trong lễ hội và đi theo đoàn rước kiệu thì thưởng thức các món ăn trong lễ hội cũng là một trong những điều rất hấp dẫn. Trong tháng lễ hội Gion diễn ra, khu vực thương mại của Kyoto sẽ trở thành khu vực dành cho người đi bộ chuyên bán đồ ăn. Đến khu trung tâm thương mại vào thời gian này, du khách có thể tìm thấy đa số các món ăn đặc trưng và ngon nhất của Nhật Bản như gà xiên nướng Yakitori, bánh cá nướng Taiyaki, bạch tuộc viên Takoyaki, bánh xèo Okonomiyaki,…

Đối với mỗi người dân Nhật, ý nghĩa lễ hội Gion rất to lớn, vừa phản ánh một nền văn hoá lâu đời, vừa là dịp để nhắc nhở con cháu về một nền văn hoá thiêng liêng thông qua tạo dựng không gian thiêng liêng bằng những nghi lễ có từ thời xa xưa, bao gồm kiệu rước, diễu hành,… Thông qua lễ hội mà thể hiện sức mạnh cộng đồng, địa phương và rộng hơn là sự gắn kết của cả một dân tộc. Họ thờ chung một vị thần, có chung một mục tiêu là hướng đến sự ấm no hạnh phúc.

Không chỉ đối với người dân trong nước mà lễ hội còn là một nét đẹp riêng cho thành phố Kyoto xinh đẹp luôn và khiến nó trở thành một điểm hẹn văn hóa với bạn bè quốc tế, điểm đến lý tưởng đối với các du khách trong mọi độ tuổi. Đặc biệt vào dịp lễ hội, đó là nơi giao lưu tiếp xúc văn hóa với các quốc gia dân tộc khác, là dịp giới thiệu quảng bá văn hóa đến bạn bè thế giới.

Nếu có cơ hội du lịch Nhật Bản vào dịp này, đừng quên ghé thăm Kyoto, hẳn du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời với lễ hội Gion đấy!