Nhật Bản luôn được xem là đất nước sở hữu nền văn hóa đa dạng và có bản sắc riêng. Bên cạnh những tập tục truyền thống được ca ngợi, “xứ Phù Tang” cũng sở hữu không ít những hủ tục dân gian tàn nhẫn. Trong đó, phải kể đến chính là tục lệ “Ubasute”.
“Ubasute” (hay “Obasute” hoặc “Oyasute”) theo nghĩa đen là vứt bỏ người lớn tuổi tại một nơi hoang vắng cho đến chết khi họ không còn khả năng lao động. Tập tục này được cho là ra đời từ thế kỷ 18 và được nhắc đến, truyền miệng qua các bài thơ, truyện kể.
Có khá nhiều giả thuyết xoay quanh nguồn gốc của hủ tục rùng rợn này, nhưng phổ biến nhất là câu chuyện về “Nạn đói Teimei” đen tối của Nhật Bản. Vào năm 1783, núi lửa Asama phun trào khiến con người đối mặt với nạn đói vì mưa lớn, lũ quét, sâu bọ phá hoại dẫn đến mất mùa, lương thực khan hiếm. Người dân tìm đủ mọi cách để thoát khỏi nghịch cảnh và một trong những cách họ thực hiện là giảm nhân khẩu trong mỗi gia đình. Người già nhất trong mỗi nhà phải rời khỏi làng, bỏ mặc đến khi qua đời trên núi hoặc nơi hẻo lánh nào đó.
Cũng có nhiều truyền thuyết xung quanh Ubasute lấy bối cảnh ở các vùng quê nghèo ở phía bắc và đông bắc Nhật Bản, liên quan đến các cộng đồng đang vật lộn để sinh tồn sau một vụ mùa xấu, thời tiết xấu hoặc thảm họa thiên nhiên. Một địa điểm nổi tiếng gắn liền với những câu chuyện về Ubasute là khu rừng rậm rạp nằm ở phía tây bắc của núi Phú Sĩ – “khu rừng tự sát” Aokigahara (còn được gọi là Jukai, có nghĩa là “Biển cây”). Nhiều người dân địa phương tin rằng linh hồn các nạn nhân Ubasute và Oyasute muốn trả thù nên đã thôi thúc mọi người tự sát khi họ vào sâu trong rừng.
Ubasute còn gắn liền với một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử với cái tên “Ubasute Yama”. Truyện kể rằng, một lãnh chúa ở một xứ nọ ban hành một đạo luật có nội dung “Hãy đưa những người già cả vô dụng lên núi vì họ chẳng có ích gì nữa”. Có một thanh niên trong làng nọ có mẹ già đã lớn tuổi và không thể đi lại được nữa. Chàng thanh niên đã cố gắng chống lại đạo luật đó, nhưng mẹ của chàng đã khuyên chàng hãy chấp nhận để khỏi bị trừng phạt. Chàng thanh niên vừa cõng mẹ lên núi vừa khóc lóc đau đớn, trong khi bà mẹ bẻ các cành cây dọc đường. Chàng trai hỏi vì sao mẹ làm vậy, thì bà trả lời là “Mẹ đánh dấu đường đi để con về nhà mà không bị lạc”. Trước tình yêu thương mà bà dành cho người con đang định vứt bỏ bà như vậy đã khiến cho chàng trai quyết định không bỏ rơi bà nữa, anh đem bà về nhà và giấu dưới sàn nhà.
Vài năm sau, người cai trị vương quốc láng giềng đã gửi hai con ngựa gần như giống hệt nhau cho nhà vua, kèm theo câu đố xác định đâu là ngựa mẹ, đâu là ngựa con. Nếu nhà vua không giải được câu đố này, vương quốc sẽ bị tấn công. Nhà vua cùng các quần thần suy nghĩ mãi nhưng không tìm được câu trả lời. Trong khi đó, người bề tôi nhắc tới ở trên đã đến hỏi mẹ mình. Bà nói rằng đã từng nghe về câu đố này trước đây và dặn con hãy xếp cỏ trước hai con ngựa. Con ngựa lùi lại để nhường cho con còn lại ăn trước chính là ngựa mẹ. Sau đó, nhà vua nước láng giềng tiếp tục gửi nhiều câu đố khác và lần nào, bà lão cũng tìm được lời giải chính xác. Cuối cùng, ông ta từ bỏ kế hoạch tấn công và trở thành đồng minh của vương quốc. Lúc này, người bề tôi quyết định thú nhận tất cả những gì ông đã làm với đức vua. Tuy nhiên, thay vì nổi giận, đức vua đã nhận ra lỗi lầm của mình, thu hồi chiếu chỉ nghiệt ngã với người già và dành cho họ sự tôn kính đáng có. Câu chuyện này đã làm nổi bật tình yêu mà một người mẹ dành cho con cái, cũng là lập luận sâu sắc và cảm động chống lại hủ tục Ubasute.
Cũng kể từ đó truyền thuyết, chuyện kể về Ubasute dần ảnh hưởng vào đời sống văn hóa của người Nhật. Nó xuất hiện phổ biến trong các ghi chép, thơ ca và tranh ảnh:
“Ở nơi vùng núi sâu hun hút
Người con trai cõng mẹ trên lưng
Vứt từng nhánh, từng nhánh cây xuống đất
Bà quên đi bản thân
Vì sự an toàn của con mình”.
Tuy nhiên, tính xác thực của hủ tục này vẫn còn gây tranh cãi, Ubasute được xem là phong tục trong câu chuyện truyền miệng nhằm dạy bảo người đời về sự hiếu thuận, phụng dưỡng cha mẹ.
Mặc dù Ubasute là một hủ tục thời xưa, thất truyền trong dân gian không có tài liệu lịch sử ghi chép cụ thể nhưng nó dần xâm nhập và tác động đến đời sống của con người thời hiện đại. Ubasute trong xã hội hiện đại đã bị lợi dụng khi người Nhật vừa phải phấn đấu cho sự nghiệp, gia đình riêng vừa chịu trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ khi về già. Tỷ lệ già hóa dân số với gánh nặng lo toan, kiếm tiền mưu sinh khiến người trẻ Nhật dần rơi vào tình trạng stress, bế tắc. Vì vậy mà nhiều người Nhật đã làm những hành vi sai trái, suy đồi đạo đức khi tìm cách gián tiếp giết chết người thân của mình theo phong tục Ubasute cổ hủ. Đơn cử năm 2011, Katsuo Kurokawa, một người đàn ông 63 tuổi đã bị buộc tội bỏ rơi người chị gái tàn tật Sachiko của mình trên sườn núi ở tỉnh Chiba, sau khi đưa bà tới đó và chỉ để lại một ít đồ ăn. Katsuo Kurokawa nói rằng sau khi nhà của họ bị phá hủy trong trận động đất tháng 3/2011, Sachiko đã trở thành một gánh nặng và ông không thể tiếp tục chăm sóc cho bà. Người chị tật nguyền được cho là đã chết đuối trên sông Obitsu ngay sau đó.
Hay, năm 2018, một người phụ nữ thất nghiệp đã bị bắt vì bỏ rơi người cha già của mình giữa đường cao tốc. Theo tờ Mainichi, Ritsuko Tanaka (46 tuổi, trú tại thành phố Otsu, quận Shiga) đã đưa người cha 76 tuổi đến một trạm dừng trên đường cao tốc Chugoku ở ngoại ô Kobe vào chiều ngày 22/11 rồi trở về nhà cách đó tận 70 km. Đáng nói, cha cô là một bệnh nhân Alzheimer, hội chứng gây suy giảm trí nhớ. Khi được hỏi, người đàn ông 79 tuổi không thể nhớ được tên mình và địa chỉ nhà, nhưng lại không quên tên con gái. Nhờ vậy, cảnh sát đã nhanh chóng bắt được Tanaka. Vụ việc này đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng. Nhiều người mô tả hành động của Ritsuko Tanaka là “vô cảm” và lên án cô “vô ơn” với bố mình. Nhưng cũng có người tỏ ra thông cảm với sự căng thẳng mà Tanaka phải đối mặt khi chăm sóc một người bệnh trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp.
Ngày nay, xã hội Nhật Bản đã có những bước tiến vượt bậc, người già tại Nhà dưỡng lão nhận được sự quan tâm chăm sóc của các điều dưỡng viên, tận tâm cùng với thiết bị y tế hiện đại. Sẽ không tồn tại cảnh con cái phải lựa chọn từ bỏ cha mẹ vì sự sống của chính mình. Thế nhưng, một số người già vẫn chọn lựa tách ra khỏi gia đình khi cảm thấy bản thân không còn sức để lao động. Có người vào Nhà dưỡng lão, có người chọn sống và chết một mình (trong tiếng Nhật gọi là “Kodokushi”) để không làm phiền đến con cái.
Đất nước, văn hóa và con người “xứ Phù Tang” còn có rất nhiều tập tục độc đáo mà khi đặt chân đến đây du khách mới có thể khám phá chúng một cách trọn vẹn. Nếu du khách yêu thích về vùng đất này thì hãy book ngay tour Nhật Bản nhé! Chúc du khách có một hành trình trải nghiệm đầy thú vị!