Vì sao Shibuya lại cấm uống rượu bia nơi công cộng?

Vì sao Shibuya lại cấm uống rượu bia nơi công cộng?

Shibuya, khu phố sầm uất và hiện đại nhất của Tokyo, nổi tiếng với những con phố sôi động và văn hóa giải trí về đêm. Tuy nhiên, trong một bước đi đầy bất ngờ, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cấm uống rượu bia nơi công cộng tại Shibuya, gây ra nhiều tranh cãi về quyền tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội.

1. Nguyên nhân lệnh cấm rượu bia tại Shibuya

Lệnh cấm này không phải là quyết định ngẫu nhiên mà xuất phát từ nhiều vấn đề xã hội mà khu vực này đang đối mặt. Một số nguyên nhân chính bao gồm:

Shibuya nổi tiếng với các con phố giải trí, tụ tập sầm uất, náo nhiệt, thu hút lượng lớn người trẻ và du khách quốc tế.

  • Xả rác bừa bãi sau tiệc tùng: Mỗi cuối tuần, đặc biệt vào các dịp lễ hội lớn như Halloween, lượng rác thải tăng đột biến khi nhiều người tụ tập ngoài trời, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

  • Tiếng ồn và gây rối trật tự công cộng: Tiệc tùng và tụ tập uống rượu ngoài đường thường xuyên gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt vào ban đêm.

  • Tình trạng mất an ninh: Tình trạng say xỉn dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật, từ đánh nhau đến hành vi không phù hợp nơi công cộng, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của Shibuya.

  • Ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch: Hình ảnh những người say xỉn lan tràn trên phố không chỉ gây mất mỹ quan mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận của khách du lịch khi đến với Shibuya.

2. Tác động của lệnh cấm rượu bia nơi công cộng ở Shibuya

Việc ban hành lệnh cấm uống rượu bia công cộng tại Shibuya đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ cả người dân và du khách. Một số tác động đáng chú ý bao gồm:

2.1. Sự chia rẽ trong quan điểm xã hội

Nhiều người ủng hộ lệnh cấm cho rằng đây là biện pháp cần thiết nhằm duy trì trật tự và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không ít người phản đối, cho rằng lệnh cấm này là một sự xâm phạm đến quyền tự do cá nhân và sẽ làm giảm đi nét đặc sắc của văn hóa đêm ở Shibuya.

2.2. Ảnh hưởng đến ngành kinh doanh địa phương

Các quán bar, nhà hàng và các khu vực giải trí ngoài trời có thể sẽ phải chịu tác động lớn từ lệnh cấm này. Điều này đặc biệt đúng với các quán có không gian ngoài trời, nơi khách hàng thường xuyên thưởng thức đồ uống cùng với không gian sôi động của phố phường.

2.3. Thay đổi hành vi của người dân

Lệnh cấm có thể sẽ tác động đến thói quen giải trí của người dân. Nhiều người sẽ chọn những quán bar hoặc nhà hàng thay vì tụ tập ngoài trời. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong phong cách sinh hoạt và giải trí tại Shibuya.

3. So sánh với các thành phố khác trên thế giới

Việc cấm uống rượu nơi công cộng không chỉ xảy ra ở Shibuya mà còn ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Ví dụ, ở Singapore, lệnh cấm uống rượu tại các khu vực công cộng sau 22h đã được áp dụng để duy trì an ninh trật tự. New York cũng có những quy định nghiêm ngặt liên quan đến việc uống rượu nơi công cộng. Tuy nhiên, các thành phố như Berlin lại cho phép người dân uống rượu bia tự do tại các khu vực công cộng, với điều kiện họ không gây ảnh hưởng đến người khác.

4. Giải pháp thay thế cho lệnh cấm

Mặc dù lệnh cấm là một biện pháp mạnh mẽ, nhưng vẫn có những giải pháp thay thế nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân:

  • Tăng cường tuyên truyền và giáo dục: Nâng cao ý thức cộng đồng về việc giữ gìn trật tự và vệ sinh nơi công cộng có thể giúp giảm thiểu các vấn đề như xả rác hay tiếng ồn.

  • Xây dựng thêm cơ sở hạ tầng: Tăng cường việc lắp đặt thùng rác công cộng và nhà vệ sinh có thể giúp người dân dễ dàng hơn trong việc giữ gìn vệ sinh.

  • Tăng cường lực lượng bảo vệ và tuần tra: Đẩy mạnh việc tuần tra và xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm là cách hiệu quả để răn đe mà không cần thiết phải cấm đoán hoàn toàn.

Việc ban hành lệnh cấm uống rượu bia nơi công cộng tại Shibuya là một bước đi táo bạo của chính quyền địa phương, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội nhức nhối. Tuy nhiên, sự cân nhắc giữa tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội luôn là một bài toán khó. Mặc dù lệnh cấm có thể giúp cải thiện môi trường và trật tự công cộng, nhưng để duy trì nét văn hóa đặc trưng và thu hút du khách, Shibuya có thể cần tìm ra những giải pháp bền vững hơn trong tương lai.

Nhật Bản dỡ rào chắn tầm nhìn núi Phú Sĩ

Tấm rào chắn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ được dỡ để tránh bão Ampil và nếu khách du lịch không còn hành vi quá khích, giới chức địa phương sẽ dỡ bỏ hoàn toàn.

Hôm ngày 20/8/2024, một quan chức thị trấn Fujikawaguchiko cho biết tấm chắn đã được gỡ xuống vào ngày 15/8, để tránh bị hư hại do bão Ampil và hiện chưa ghi nhận rắc rối nào. Hàng rào tới nay chưa được dựng lại, trong thời gian tới, nếu khách du lịch không còn những hành vi quá kích như trước thì tấm chắn sẽ được bỏ hoàn toàn.

Thị trấn Fujikawaguchiko nổi tiếng nhờ khung cảnh ngọn núi Phú Sĩ thấp thoáng phía sau một cửa hàng tiện lợi. Những năm gần đây, khu vực phía trước cửa hàng thu hút hàng nghìn lượt khách đến chụp ảnh.

Ngày 21/5, chính quyền địa phương cho dựng một hàng rào màu đen khổng lồ, kích thước 2,5x20m để chắn ngang tầm nhìn núi Phú Sĩ từ vỉa hè đối diện cửa hàng tiện lợi. Biện pháp được đưa ra để ngăn chặn tình trạng khách đổ về khu vực này để chụp ảnh, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.

Sau khi xuất hiện những lỗ thủng trên tấm chắn, dường như do khách du lịch tìm cách chụp ảnh xuyên qua, chính quyền sở tại đã gia cố bằng vật liệu chắc chắn hơn vào ngày 25/7, đồng thời đổi màu của tấm chắn từ đen sang nâu để phù hợp hơn với cảnh quan.

Ngoài dựng rào chắn, chính quyền còn gắn camera, bổ sung nhân viên để bảo vệ an ninh và đời sống người dân trong khu vực. Vào thời điểm được dựng lên, giới chức cho biết “rất tiếc phải làm vậy” vì bất lực với một số khách du lịch không tôn trọng các quy tắc./.

Theo: AFP, JP Times

Hàng hiệu hồi sinh ở Nhật Bản nhờ khách Trung Quốc

Trong cuộc suy thoái hàng xa xỉ toàn cầu, các thương hiệu nổi tiếng đặt tại Nhật trở thành ngoại lệ nhờ khách nhà giàu Trung Quốc.

Nhật Bản đang được coi như điểm sáng trong bối khủng hoảng mua sắm hàng xa xỉ toàn cầu của các thương hiệu lớn. Nguyên nhân là nhờ khách Trung đổ xô đến du lịch và không tiếc tiền mua sắm khi tận dụng đồng Yên yếu.

A Tuyết, 30 tuổi, nữ du khách Trung Quốc cùng bạn trai lần đầu đến Nhật Bản du lịch vào tháng 8. Cô đã chi 520.000 Yên (gần 89 triệu VND) để mua một chiếc túi và hai phụ kiện từ cửa hàng Gucci ở bách hóa Matsuya, quận Ginza, Tokyo. Trong 7 ngày tại Nhật Bản, họ dành thời gian chủ yếu đi mua sắm thay vì tham quan.

A Tuyết không phải khách Trung Quốc duy nhất đến Nhật Bản chủ yếu để mua sắm. “Nhờ đồng Yên giảm nên giá cả rất phải chăng”, một nam du khách đồng hương 22 tuổi nói thêm. Người này đến Nhật Bản hồi tháng 6 và chi 300.000 Yên (51,3 triệu đồng) để mua chiếc vòng cổ của hãng Bulgari. Cũng sản phẩm này nếu mua tại Trung Quốc, anh phải chi khoảng 368.000 Yên (63 triệu VND).

Nam du khách cho biết thêm những bộ quần áo anh mua khi đến Nhật năm 2018 có giá 80.000 Yên, tương đương 5.000 NDT thời điểm đó. Nhưng hiện giờ, giá giảm xuống còn 4.000 NDT (14 triệu VND).

Hiệu ứng đồng Yên giảm giúp kết quả kinh doanh của các tập đoàn bán đồ xa xỉ tăng lên. Trong tháng 7, Burberry báo cáo doanh số bán hàng giảm 23% tại Anh, nơi vốn là thị trường bán chạy nhất của hãng. Doanh số bán tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của hãng, cũng giảm, còn Nhật là thị trường tăng trưởng duy nhất, 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu từ người dân địa phương tại Nhật Bản vẫn yếu, nhưng chi tiêu du lịch mạnh mẽ từ khách Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã thúc đẩy doanh số, theo Burberry.

Điều tương tự tại LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy). Doanh số bán hàng của công ty tiếp tục giảm ở Châu Á, ngoại trừ Nhật Bản. Công ty mẹ của Louis Vuitton ở nước này thậm chí chứng kiến mức tăng trưởng hai chữ số và phần lớn nhờ vào lượng khách hàng Trung Quốc.

Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), khoảng 17,8 triệu lượt khách quốc tế đã đến Nhật trong 6 tháng đầu năm. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ. Chi tiêu của khách quốc tế đến Nhật Bản đạt 2,14 nghìn tỷ Yên (gần 362 nghìn tỷ VND) trong quý II – lập kỷ lục so với các quý trước.

Các cửa hàng bách hóa lớn là nơi hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động mua sắm hàng xa xỉ của khách du lịch. Trong nửa đầu tháng 7, ba cửa hàng thuộc top đầu của tập đoàn Isetan Mitsukoshi Holdings ở Tokyo có doanh số tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Daimaru Matsuzakaya Department Stores, một công ty thuộc tập đoàn J. Front Retailing, đã đạt mức tăng 21,9% về doanh số miễn thuế so với cùng kỳ.

Ngoài các thương hiệu xa xỉ toàn cầu, du khách đến Nhật cũng đổ tiền vào mua các mặt hàng địa phương, đồ lưu niệm đắt tiền, thúc đẩy ngành công nghiệp đồ trang sức, đồng hồ, kính, thuốc và dược phẩm.

Công ty mẹ của Uniqlo là Fast Retailing đang dự trữ các sản phẩm mùa đông, như đồ lót giữ ấm Heattech, dù đang hè nhằm phục vụ nhu cầu của khách quốc tế yêu thích nhãn hàng này.

Các thương hiệu đang tăng cường nhiều biện pháp để nắm bắt nhu cầu từ khách du lịch quốc tế như dùng bảng chỉ dẫn, nhân viên nói nhiều ngoại ngữ. Tuy nhiên, khách đông dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động buộc các chủ kinh doanh phải cải thiện tiền lương cùng các phúc lợi lao động khác cho người lao động./.

Theo: Nikkei Asia

Nhật Bản thiếu cảnh báo cho du khách khi đối mặt thiên tai

Các chuyên gia du lịch tại Nhật Bản cho rằng Chính phủ đang thiếu các biện pháp cảnh báo hữu ích dành cho khách du lịch quốc tế khi đối mặt động đất, sóng thần.

Nhật Bản đang trong tình trạng báo động, có thể hứng chịu nhiều trận động đất mạnh gây sóng thần, đặc biệt là khu vực từ quần đảo Okinawa đến cửa vịnh Tokyo. Các chuyên gia cảnh báo trận động đất 7,1 độ hôm 8/8/2024 có thể tạo ra siêu động đất ở rãnh Nankai, rãnh ngầm chạy dọc bờ biển Thái Bình Dương, cách bờ biển Nhật Bản 900km. Nếu thảm họa xảy ra, nước này có thể đối mặt hậu quả thảm khốc tương tự trận động đất mạnh 9 độ hồi tháng 3/2011.

Ngành du lịch Nhật Bản bày tỏ lo ngại khi Chính phủ thiếu thông tin hướng dẫn an toàn quan trọng cho khách quốc tế – những người có thể chịu ảnh hưởng khi thảm họa xảy ra.

Masaru Takayama, chủ một công ty du lịch có trụ sở tại Kyoto, cho rằng: “Không có đủ thông tin cũng như lời khuyên dành cho khách quốc tế về tình huống hiện tại bằng nhiều ngôn ngữ”. Những lời khuyên du lịch an toàn như bản đồ cảnh báo động đất, sóng thần đều bằng tiếng Nhật vì chính quyền mới chỉ thiết kế để phục vụ người dân, chưa hướng đến khách.

Do đó, khách quốc tế không biết tiếng Nhật sẽ không biết phải làm gì trong trường hợp xảy ra thảm họa. Họ không biết các tuyến đường sơ tán khi cần thiết cũng như nơi có thể đến để được điều trị y tế, trú ẩn. Masaru nói đang có một lỗ hổng về thông tin và chính quyền cần lấp lỗ hổng đó. “Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ ngành du lịch”, Masaru nhận xét.

Ngày 13/8, Masaru chủ trì cuộc họp bất thường để đưa ra các phương án ứng phó thảm họa, bao gồm cách xác nhận vị trí của nhân viên và du khách, đảm bảo sức khỏe cũng như giám sát quá trình sơ tán, cung cấp các điều trị y tế nếu cần.

Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản đang sở hữu nền tảng trực tuyến Japan Safe Travel hiện cập nhật thường xuyên các thông tin về thảm họa, thiên tai và mẹo an toàn cho du khách. Masaru nói chính quyền nên in các thông tin này dưới dạng bản cứng, bên cạnh thông tin trực tuyến, và cung cấp tại mọi điểm đến khắp nước để phục vụ khách quốc tế.

Lo ngại về các trận động đất khiến nhiều khách quốc tế không muốn đến thăm Nhật Bản khi số lượng tour hoãn, hủy tăng đột biến. Ngày càng nhiều khách hủy đặt phòng, vé máy bay đến Nhật Bản.

Theo Japan Times, thành phố Nichinan, tỉnh Miyazaki, nơi nổi tiếng với các bãi biển và cảnh quan có từ thời Edo, ghi nhận lượng khách hủy đặt phòng tại tỉnh “đáng kể”. Khách sạn Takachiho thuộc quyền quản lý của tỉnh đã có 25 phòng bị hủy với tổng số khách là 59 người. Ở tỉnh Kochi, Sansuien, nhà trọ kết hợp suối nước nóng truyền thống Nhật Bản, có 600 khách thông báo hủy đặt phòng tính đến 13/8. Nhiều sự kiện, hoạt động khắp đất nước cũng hủy hoặc dời ngày.

Nhà phân tích tiếp thị du lịch Ashley Harvey cho biết các công ty nên có kế hoạch hành động khẩn cấp để ứng phó với động đất và thực hành thường xuyên. Chính quyền nên cung cấp những mẹo hữu ích bằng nhiều ngôn ngữ về cách ứng phó với thảm họa thiên nhiên nhằm hỗ trợ du khách và nên có sẵn tại các khách sạn hay bất kỳ nơi nào khách du lịch ghé thăm.

Ashley nói không thể kiểm soát được tình hình khi thảm họa xảy ra nhưng cách tốt nhất và hữu ích nhất giúp khách quốc tế là hướng dẫn họ hành động giống người Nhật khi gặp sự cố./.

Theo: SCMP, JP Times

Nhật Bản: Cuộc chiến chống lạm phát, người lao động thắng thế

Nhật Bản: Cuộc chiến chống lạm phát, người lao động thắng thế

Sau hơn 2 năm liên tiếp giảm, tiền lương thực tế tại Nhật Bản cuối cùng đã tăng trở lại, mang lại niềm hy vọng lớn cho người lao động trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang gia tăng. Theo số liệu mới nhất từ bộ y tế, lao động, phúc lợi và tiền lương Nhật Bản, tiền lương thực tế của người lao động trong tháng 6 đã tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng đầu tiên sau 26 tháng liên tiếp giảm, cho thấy những nỗ lực trong cuộc chiến chống lạm phát đã bắt đầu mang lại kết quả tích cực.

1. Phân tích chi tiết về sự kiện tăng lương tại Nhật Bản

1.1 Lương danh nghĩa tăng mạnhMức lương thực tế tại Nhật Bản trong tháng 6 đã tăng, lần đầu tiên sau 27 tháng

Tổng thu nhập tiền mặt bình quân trên một người lao động đã tăng 4,5% lên mức 498.884 Yên (khoảng 3.453,67 USD). Đây là sự tăng trưởng liên tục trong suốt 30 tháng qua, một dấu hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang dần phục hồi sau những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

1.2 Lương cơ bản tăng cao kỷ lục

Lương cơ bản đã tăng 2,3% lên mức 264.859 Yên (khoảng 1.833,57 USD), đạt tốc độ tăng cao nhất trong gần 30 năm. Điều này không chỉ cải thiện thu nhập của người lao động mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời kích thích tiêu dùng và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

1.3 Thu nhập đặc biệt tăng mạnh

Thu nhập đặc biệt, bao gồm tiền thưởng mùa hè, đã tăng 7,6%. Điều này không chỉ làm tăng thu nhập của người lao động mà còn khuyến khích họ làm việc hiệu quả hơn, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

1.4 Tăng lương tối thiểu

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng mức lương tối thiểu toàn quốc khoảng 5%, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. Điều này không chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động mà còn giúp giảm bớt gánh nặng lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa và dịch vụ đang tăng cao.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng lương

2.1 Áp lực từ lạm phát

Đồng Yen Nhật Bản

Để đối phó với tình hình lạm phát gia tăng, các doanh nghiệp buộc phải tăng lương để thu hút và giữ chân nhân tài. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để đối phó với lạm phát, đồng thời giúp cải thiện đời sống của người lao động.

2.2 Thiếu hụt lao động

Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại Nhật Bản khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để thu hút nhân tài, dẫn đến việc tăng lương. Điều này đặc biệt quan trọng trong các ngành công nghiệp cần lao động có tay nghề cao, nơi sự cạnh tranh về nhân lực ngày càng gay gắt.

2.3 Chính sách của chính phủ

Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng lương, như giảm thuế và cung cấp các khoản vay ưu đãi. Những chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tăng lương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

3. Tác động của việc tăng lương

3.1 Cải thiện đời sống người dân

Với mức lương tăng, người dân Nhật Bản sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và phục hồi nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh lạm phát gia tăng, khi chi phí sinh hoạt cũng tăng cao.

3.2 Giảm bớt gánh nặng lạm phát

Việc tăng lương sẽ giúp người dân bù đắp một phần chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người lao động mà còn tạo ra sự ổn định xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều biến động.

3.3 Thu hút nhân tài

Mức lương hấp dẫn sẽ giúp Nhật Bản thu hút được nhiều lao động có tay nghề cao, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh nhân tài toàn cầu ngày càng gay gắt. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì và phát triển mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

4. Nhận định của các chuyên gia

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, việc tăng lương tại Nhật Bản là một tín hiệu tích cực, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, chính phủ Nhật Bản cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đồng thời cải cách thị trường lao động để tạo ra nhiều việc làm hơn.

Việc tăng trưởng của tiền lương thực tế tại Nhật Bản là một tin vui không chỉ đối với người lao động mà còn đối với cả nền kinh tế. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng của chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính phủ đến doanh nghiệp và người lao động, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.

Nhiều khách gặp sự cố, thương vong khi leo núi Nhật Bản

Đầu mùa leo núi, Nhật Bản ghi nhận 3 người chết khi chinh phục núi Phú Sĩ và một số người bị mắc kẹt khi đi bộ đường dài trên núi ở Hokkaido.

Cảnh sát Hokkaido, đảo lớn thứ hai tại Nhật, ngày 15/7/2024 giải cứu thành công hai du khách đi bộ đường dài trên núi. Giới chức địa phương nhận được cuộc gọi cầu cứu vào khoảng 18h00 ngày 14/7/2024 từ 2 khách người nước ngoài, khoảng 30 tuổi. Theo báo cáo, cả hai mệt đến mức không thể đi được và mắc kẹt lại trên núi Biei, ngọn núi nằm gần trung tâm Hokkaido, dưới chân dãy Tokachidake trong Vườn Quốc gia Daisetsuzan.

Cũng trong ngày 14/7, cảnh sát nhận được thông báo hai nữ du khách bị mắc kẹt trên núi Tokachi và cứu một người đàn ông 60 tuổi bị thương ở chân bị kẹt tại Asahi, núi cao nhất hòn đảo, nằm gần thị trấn Higashikawa. Ngọn núi là điểm đến yêu thích của những người leo núi, đi bộ đường dài.

Sau nhiều sự cố xảy ra với các du khách đi bộ đường dài trên núi, cảnh sát Hokkaido khuyến cáo mọi người cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị, lương thực, dụng cụ sơ cứu, quần áo và gửi kế hoạch leo núi cho cảnh sát trước khi bắt đầu hành trình.

Trước đó, vào cuối tháng 6, cảnh sát Tokyo xác nhận tìm thấy 3 người tử vong tại miệng núi lửa ở phía tỉnh Shizuoka. Những người này là các nhà leo núi, xác họ được tìm thấy ở các vị trí khác nhau. Một nhà leo núi khác được giới chức xác nhận thiệt mạng cách đó vài ngày trên núi thuộc tỉnh Yamanashi.

Mùa leo núi Phú Sĩ thường bắt đầu từ tháng 7, kết thúc vào tháng 9. Năm 2023, 63 vụ tai nạn xảy ra liên quan đến những người leo núi Phú Sĩ ở tỉnh Shizuoka, trong thời gian trên, tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó có 2 người chết, 18 người bị thương.

Cảnh sát tỉnh Shizuoka đang kêu gọi những người leo núi trang bị đầy đủ cho mùa leo núi năm nay cũng như chú ý tình trạng sức khỏe bản thân.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, năm 2023, hơn 3.560 người mắc kẹt trên núi Nhật Bản, mức cao nhất từ khi thu thập số liệu vào năm 1961. 145 trong số này là du khách nước ngoài, gấp 1,4 lần so với năm 2019 và 335 người chết hoặc mất tích, nhiều hơn 8 người so với 2022. Trong số những người mắc kẹt, 790 người ở độ tuổi 70. Tính theo tỉnh, Nagano có số người mắc kẹt cao nhất với 332 người, tiếp theo là Hokkaido với 245 và Tokyo với 233. Số người mắc kẹt trên núi Phú Sĩ được báo cáo tăng 90,2% từ năm 2017 đến 2022. Núi Takao ở Tokyo chứng kiến số người mắc kẹt tăng 68,4% và dãy núi Hotaka ở miền trung Nhật Bản ghi nhận mức tăng 48,1%./.

Theo: NHK

Nhật Bản ra mắt “chiếc thìa thần kỳ” giúp tăng vị mặn nhờ “muối điện”

Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hàng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người thường có thói quen sử dụng khá nhiều muối để tạo hương vị đậm đà cho món ăn. Nhằm giúp mọi người có thể thưởng thức những hương vị đậm đà theo sở thích mà không cần lo về nguy cơ mắc bệnh, Công ty Kirin của Nhật Bản đã bán ra những chiếc thìa “muối điện” giúp tăng vị đậm đà của đồ ăn mà không cần thêm muối, thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh hơn.

Chiếc thìa thần kỳ này được ra mắt thị trường Nhật Bản ngày 20/5/2024, đánh dấu lần đầu tiên công nghệ này được thương mại hóa. Trong tháng 5, công ty Kirin dự kiến bán ra 200 chiếc thìa muối điện thông qua nền tảng trực tuyến với giá 19.800 Yên (khoảng 3,2 triệu VND/chiếc).

Chiếc thìa này đặc biệt này do Phó Giáo sư Hiromi Nakamura của Đại học Tokyo và Giáo sư Homei Miyashita của Đại học Meiji đồng sáng chế. Trước đó, ông Miyashita đã chứng minh được đũa điện có tác dụng tăng vị giác.

Khi sử dụng, thìa sẽ truyền một điện trường để tập trung các phân tử ion natri trên lưỡi nhằm tăng cường cảm nhận vị mặn của thức ăn. Mục tiêu là hỗ trợ người dùng giảm lượng muối ăn.

Nhờ nghiên cứu về thiết bị có thể thay đổi vị giác, hai nhà khoa học trên đã giành được giải Nobel, giải thưởng dành cho những thành tựu bất thường và độc lạ.

Công ty Kirin cho rằng công nghệ này có tầm quan trọng đặc biệt tại Nhật Bản, nơi người trưởng thành tiêu thụ trung bình khoảng 10 gram muối/ngày, cao gấp đôi so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Chế độ ăn quá nhiều muối làm tăng tỷ lệ mắc bệnh huyết áp cao, đột quỵ và các bệnh khác.

Công ty Kirin có kế hoạch bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài từ năm 2025 và hi vọng sản phẩm độc lạ của họ sẽ thu hút được 1 triệu người dùng trên toàn cầu trong 5 năm.

Đúng là Nhật Bản, không hổ danh là “đất nước đến từ tương lai”, tiện lợi và tinh tế trong từng sản phẩm. Chúng luôn khiến cư dân mạng trầm trồ. Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách đừng quên khám phá thêm những sản phẩm tiện ích ở đất nước này nhé!

Nhật Bản nỗ lực hút khách bằng mì Ramen

Các thành phố nhỏ ở Nhật Bản dùng mì Ramen làm trọng tâm quảng bá du lịch nhằm thu hút khách, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế địa phương.

Nằm ở vùng biển Đông Bắc Tohoku, thành phố Yamagata từ lâu đã nổi tiếng với món mì Soba làm từ kiều mạch. Nhưng Ramen cũng là một phần văn hóa ẩm thực của địa phương, với nhiều nhà hàng Soba phục vụ cả hai món.

Thành phố Nanyo, phía Nam Yamagata, hiện có cơ quan chuyên trách về Ramen. Dân số dưới 30.000 người, nhưng Nanyo có hơn 50 cửa hàng Ramen, tỷ lệ cửa hàng trên dân cư là 16,67, hơn 3 lần tỷ lệ của Yamagata. Lợi thế này khiến chính quyền Nanyo nảy ra ý tưởng đưa Ramen trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch, bên cạnh suối nước nóng và rượu vang của vùng.

Tại Làng Akayu Onsen, nơi có suối nước nóng lịch sử nghìn năm, khách có thể kết hợp tắm suối nước nóng và thưởng thức loại Ramen với Soup Miso cay nổi tiếng của Nanyo. Chính quyền Nanyo phân phát cho khách du lịch bản đồ các nhà hàng Ramen, tổ chức các sự kiện đặc biệt về món mì. Một trong số này là “Cô Koizumi yêu mì Ramen”, sự kiện lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh nổi tiếng, diễn ra từ tháng 11 đến tháng 1/2024. Nanyo khuyến khích khách thưởng thức Ramen ở nhiều cửa hàng khác nhau, thu thập các con dấu của các cửa hàng để giành phần thưởng.

Khoảng 27.000 người đã tham gia, lấp đầy cả nhà hàng và khách sạn, giúp thành phố đạt doanh số khoảng 170 triệu Yên (1,06 triệu USD). Nanyo cũng tổ chức tour tham quan làm mì Ramen cho khách nước ngoài.

Thị trưởng Takao Shiraiwa của Nanyo cho biết ngày càng có nhiều người đến thành phố để thưởng thức mì Ramen. Vì vậy, “chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp du khách có những trải nghiệm tốt đẹp, bên cạnh những điểm tham quan như suối nước nóng”.

Trong khảo sát về mức độ hài lòng với đồ ăn, thức uống dành cho khách du lịch nước ngoài do Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) thực hiện, Ramen đứng thứ hai sau các món thịt, vượt qua Sushi.

Tính đến đầu tháng 6, theo trang danh bạ kinh doanh trực tuyến iTownpage, có khoảng 21.110 nhà hàng Ramen trên khắp Nhật Bản. Tỷ lệ nhà hàng Ramen trên mỗi 10.000 dân ở Nhật Bản trung bình là 1,68. Thành phố Yamagata ở miền Bắc có tỷ lệ cao nhất với 5,07, tiếp theo là Niigata ở miền Trung Nhật Bản với 3,34. Tokyo xếp thứ 34 với 1,46.

Tại Nhật, bánh bao Gyoza từng là món được các hộ gia đình tiêu thụ nhiều nhất, theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này. Nhưng nay, Ramen là sự thu hút mới. Thành phố Yamagata giữ vị trí đầu về chi tiêu dành cho mì Ramen hàng năm của hộ gia đình ở mức 14.741 Yên (khoảng 2,4 triệu VND), theo sau là thành phố Niigata với 13.844 Yên (khoảng 2,2 triệu VND).

Yamagata đã thành lập một trang web cung cấp thông tin đa ngôn ngữ về khoảng 200 cửa hàng Ramen. Thành phố cũng nỗ lực tương tự Nanyo để thu hút những du khách muốn thưởng thức Ramen. Trong khi đó, thành phố Sano ở tỉnh Tochigi đã mở một trường dạy người muốn kinh doanh và điều hành một cửa hàng Ramen.

Sano cũng giúp các cửa hàng Ramen đã đóng cửa mở lại kinh doanh. Với những nỗ lực này, thành phố có thêm 15 hộ gia đình từ nơi khác chuyển đến đây, mở thêm 7 cửa hàng Ramen.

Akira Tachibana, Phó giáo sư nghiên cứu về văn hóa Ramen tại Đại học Yamato, nói ramen có sức hút lớn, đến nỗi mọi người từ thành phố sẽ đến xếp hàng trước nhà hàng nằm sâu trong hẻm núi để được thưởng thức món mì ngon.

Có nhiều cách để chính quyền địa phương quảng bá món Ramen, thu hút khách nước ngoài và hỗ trợ những người trẻ muốn mở quán mì. “Sử dụng nguyên liệu địa phương cũng là cách quảng bá”, Tachibana nói.

Theo: Nikkei Asia, Tohoku Kando

Hươu hưởng lợi khi Nhật Bản quá tải du lịch

Khi du khách đổ xô đến Nhật Bản, những chú hươu tại thành phố Nara thuộc tỉnh Nara được cho ăn nhiều hơn. Việc này một phần thúc đẩy sinh sản tích cực.

Tại thành phố Nara, loài hươu được coi như biểu tượng khi xuất hiện dày đặc trên các quảng cáo du lịch, xe bus hoặc vé tàu hỏa… Các cửa hàng lưu niệm cũng bày bán nhiều món đồ hình hươu như thú nhồi bông, băng đô và móc khóa.

Theo CNN, hiện Nara có 313 hươu đực, 798 hươu cái và 214 hươu non được ghi nhận trong Công viên Nara. Con số này tăng 92 con so với năm 2023.

Nara nổi tiếng với Đền Todaiji – một trong những công trình bằng gỗ lớn nhất thế giới – nhưng phần lớn khách du lịch đến đây để gặp những chú hươu, loài vật biết lịch sự cúi đầu cảm ơn khi được tặng bánh quy. Nhờ sức hút này, các quầy hàng quanh Công viên Nara mọc lên “như nấm”. Họ bán những món ăn đặc biệt làm từ cám gạo dành riêng cho hươu.

Ông Nobuyuki Yamazaki thuộc Nara Deer Preservation Foundation (Quỹ bảo tồn hươu Nara) nói với CNN: “Việc tăng liên tục số lượng bánh quy cho hươu ăn đã dẫn đến việc sinh sản tích cực hơn của loài hươu. Ngoài thu hút nhiều khách du lịch đến thăm công viên hơn, điều này còn giúp những chú hươu luôn dồi dào đồ ăn”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tương tác giữa người và hươu đều tích cực. Một số con hươu đã quá quen với việc có người xung quanh và háo hức giật lấy bánh quy từ tay khách du lịch.

Yamazaki nói thêm: “Khi số lượng hươu và khách du lịch cùng tăng lên, nhiều vấn đề phát sinh khác cũng gia tăng. Trong những năm gần đây, chúng tôi chứng kiến sự gia tăng các vụ tai nạn như người dân bị hươu đẩy ngã hoặc bị cắn”.

Hành động hươu cúi chào là đặc trưng riêng của Công viên Nara và không được tìm thấy ở bất kỳ loài hươu nào khác. Tuy nhiên, một nghiên cứu từ Đại học Phụ Nữ Nara phát hiện khi Nhật Bản đóng cửa không đón khách du lịch quốc tế do đại dịch, rất ít con hươu cúi chào.

Giáo sư Yoichi Yusa, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn hươu ở Nara, cho biết: “Cách đây rất lâu, những chú hươu ở Công viên Nara rất sợ con người, vì vậy chúng bắt đầu cúi chào do bị căng thẳng. Nhưng sau này, Nara trở thành điểm tham quan hút khách, những chú hươu không còn sợ con người nữa mà thay vào đó chúng cúi chào để xin bánh gạo Shika Senbei”.

Theo số liệu của Chính phủ, 9,3 triệu lượt khách du lịch đã đến thành phố Nara vào năm 2022. Sau đại dịch, Nhật Bản mở cửa trở lại đã phải đối mặt với tình trạng quá tải khách du lịch. Từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi tháng có hơn 3 triệu khách nước ngoài đến Nhật Bản, phá vỡ kỷ lịch du lịch mọi thời đại./.

Theo: baomoi.com

Đồng Yên xuống thấp nhất hơn 30 năm, khách du lịch đua nhau đến Nhật Bản

Đồng Yên suy yếu mang đến cho khách du lịch nước ngoài nhiều cơ hội thử trải nghiệm khi du lịch đến Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản hôm 19/7/2024 đưa ra dự báo nước này có thể đón lượng khách nước ngoài kỷ lục là 35 triệu lượt người trong năm nay. Bên cạnh đó, chi tiêu cho du lịch ở Nhật Bản cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Đồng Yên yếu giúp Nhật Bản thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới

Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, có khoảng 17,78 triệu lượt khách đã đến thăm nước này từ tháng 1 đến tháng 6/2024. Theo dữ liệu từ Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO), lượng khách du lịch đến Nhật nửa đầu năm tăng 65,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số 17,78 triệu lượt cũng vượt 6,9% so với năm 2019, đánh dấu sự phục hồi của ngành du lịch nước này so với trước đại dịch.

Tháng 6, lượng khách du lịch đến Nhật Bản đạt kỷ lục mới với 3,13 triệu lượt, tháng thứ tư liên tiếp có hơn 3 triệu lượt khách. Dẫn đầu thị trường gửi khách, người Hàn Quốc đang đổ xô vào Nhật Bản. Một khách du lịch Hàn Quốc bày tỏ: “Tôi rất phấn khích vì mọi thứ đều rẻ. Hàng hóa hàng ngày dành cho trẻ em rẻ hơn rất nhiều so với ở Hàn Quốc. Tôi mua mọi thứ tôi có thể và chắc sẽ sớm quay lại”. Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, khách du lịch hàng không đã thực hiện 10,2 triệu chuyến đi Hàn Quốc – Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay.

Tương tự, du khách Trung Quốc chi tiêu 442 tỷ Yên, chủ yếu vào mua sắm và nhiều hơn khách từ các thị trường khác trong quý 2. Đồng Yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD cũng đã khiến Nhật Bản trở thành một điểm đến vừa túi tiền với du khách Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ. Theo Nikkei Asia, cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) ước tính du khách đã chi tiêu tổng cộng 3,9 nghìn tỷ Yên (24,8 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2024. Chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản tăng 73,5% so với 2023 và 68,6% so với năm 2019.

Du khách Hàn Quốc và Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản khi đồng Yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD.
Naomi Mano, Chủ tịch Công ty lữ hành Luxurique, chia sẻ: “Đồng Yên yếu đã thúc đẩy sức hấp dẫn của Nhật Bản, khuyến khích các kế hoạch du lịch tự phát và xu hướng lưu trú lâu hơn. Chúng tôi cũng đang chứng kiến ​​thêm nhiều khách từ các quốc gia vốn trước đây ít lựa chọn tới Nhật Bản. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý khi năm 2019, khoảng 30% du khách là người Trung Quốc”.

Còn theo bà Elise Hodgson từ công ty lữ hành Inside Japan cho biết tỷ giá hối đoái thuận lợi mang đến cho du khách người Australia cơ hội thử những trải nghiệm đắt đỏ vượt ngoài ngân sách trước đây. Họ có thể ăn uống tại các nhà hàng cao cấp và khám phá văn hóa ẩm thực sẽ có giá phải chăng hơn, cũng như nghỉ tại một ryokan (nhà trọ kiểu Nhật Bản) theo phong cách truyền thống.

Nghiên cứu Tác động kinh tế (EIR) năm 2024 của Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới (WTTC) dự báo 2024 sẽ là một năm kỷ lục đối với ngành du lịch & lữ hành Nhật Bản. Trong năm nay, ngành dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế gần 44.600 tỷ Yên. Con số này tăng 5,7% so với mức đỉnh năm 2019, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành hiện chiếm 7,5% GDP của Nhật Bản.

Việc làm trong lĩnh vực du lịch & lữ hành của Nhật Bản cũng được dự báo sẽ vượt 6 triệu vị trí trong năm nay, đánh dấu mức tăng 10% so với năm trước. Bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTTC, cho rằng ngành du lịch & lữ hành của Nhật Bản chuẩn bị phá vỡ mọi kỷ lục, một phần nhờ đồng Yên giảm giá, tạo điều kiện hấp dẫn du khách quốc tế. Tuy nhiên, trong khi chi tiêu của du khách góp phần tích cực vào nền kinh tế nói chung thì tình trạng đông người tại các điểm du lịch nổi tiếng lại khiến các nhà hoạch định chính sách phần nào cũng cảm thấy lo ngại.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã phải đưa ra cam kết sẽ thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề “du lịch quá tải” – tình trạng gây ra tắc đường, ô nhiễm, phức tạp cho cư dân – và các vấn đề khác, đồng thời đẩy mạnh phát triển các khu vực du lịch bền vững. Tại Hội nghị Bộ trưởng Xúc tiến Du lịch Quốc gia mới đây, Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh, điều cấp bách là phải cân đối lượng du khách nước ngoài giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã chọn 20 địa điểm làm “khu vực thí điểm tiên phong” để thử nghiệm các biện pháp ứng phó với tình trạng quá tải du khách nước ngoài và Chính phủ sẽ trợ cấp 2/3 kinh phí vận hành, tối đa là 80 triệu Yên (hơn 500.000 USD). Chương trình hỗ trợ tài chính này bao gồm việc mở rộng những chuyến bay đến các sân bay địa phương. Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch áp dụng một hệ thống mới gọi là “thông quan trước” giúp rút ngắn thời gian cần thiết làm thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài từ đầu năm 2025.

Cụ thể, hệ thống làm thủ tục trước sẽ cho phép du khách hoàn tất hầu hết các cuộc kiểm tra nhập cảnh ngay tại các sân bay khởi hành. Những người đã hoàn tất thủ tục sẽ được rút ngắn thời gian khi chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh đơn giản tại các sân bay Nhật Bản. Chính phủ có kế hoạch triển khai chương trình này dành cho du khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc), bắt đầu từ tháng 1/2025, sau đó sẽ mở rộng phạm vi đến du khách từ các nước khác.

Để đón đầu làn sóng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản phục hồi mạnh trong thời gian tới, một tài khoản Instagram phiên bản tiếng Trung đã được tỉnh Ehime và Kagawa phát triển có tên là “Sổ hồng du lịch”, giúp du khách Trung Quốc có thể tiếp cận các thông tin du lịch liên quan đến địa phương ngày từ trong nước. Việc phát triển ứng dụng này được UNBOT, một doanh nghiệp tiếp thị kỹ thuật số ở Trung Quốc tiến hành và nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội du lịch các địa phương ở Nhật Bản. Hiện công ty này đang đàm phán với hơn 50 địa phương khác để thúc đẩy mô hình này.

Bên cạnh đó, để giảm bớt tình trạng quá tải du khách, ngày càng nhiều chính quyền địa phương xem xét áp dụng thuế lưu trú và phí thăm quan đối với du khách quốc tế. Tỉnh Hokkaido, tiếp theo thị trấn Kutchan, thị trấn Niseko sẽ áp dụng thuế lưu trú từ 100 – 2.000 Yên/người/đêm từ tháng 11/2024. Thành phố Atami, tỉnh Shizuoka, cũng sẽ áp dụng thuế lưu trú 200 Yên/người/đêm từ tháng 4/2025. Từ tháng 7, tỉnh Yamanashi sẽ thu phí chặng đường bộ lên tầng 5 của núi Phú Sỹ là 2.000 Yên và du khách quốc tế cũng phải trả 4.000 Yên cho một chuyến leo trải nghiệm leo núi Phú Sỹ.

Khách du lịch đua nhau “ăn sập” Nhật Bản khi đồng Yên xuống thấp

Steph Smith, một người Canada làm việc từ xa và đi du lịch khắp thế giới, đã gây chú ý khi chia sẻ bức ảnh một phần ăn gồm đĩa Sashimi, cơm và súp Miso với giá chưa đến 5 USD trên mạng xã hội X. Bài đăng đã nhanh chóng thu hút hơn 1,8 triệu lượt xem.

“Đúng là sai lầm lớn nếu không dành thời gian ở Nhật Bản khi đồng Yên giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm. Giá chưa đến 5 USD mà tôi được thưởng thức một số loại cá tươi nhất từng ăn”, Smith cho hay.

Sau đó, Smith tiếp tục chia sẻ một video khác nhằm tăng thêm “sự thuyết phục” về bữa ăn gồm nhiều món đạt sao Michelin với giá chỉ 100 USD cho một người.

Đồng tình với Smith, nhiều người đã nhanh chóng chia sẻ những bữa ăn giá rẻ nhưng vô cùng chất lượng mà họ được thưởng thức ở Nhật Bản trong thời gian này. Một du khách đến từ Hawaii đã phải thốt lên: “Nhật Bản thật điên rồ!“, kèm theo bức ảnh một bữa ăn trị giá 6 USD (khoảng 153.000 VND) gồm 5 món khác nhau. “Chỉ với 20 USD, tôi đã có một bữa ăn với 5 món. Rất ngon”, một người khác nói thêm.

“Tôi đã dành phần lớn thời gian tháng 4 để ở Nhật Bản. Tôi không thể tin được rằng đi ăn ngoài lại rẻ đến thế. Đi tàu cũng rẻ nữa”, một du khách chia sẻ.

Một người “du mục kỹ thuật số” cho biết đồ ăn là lý do người này cân nhắc đến Nhật Bản một lần nữa. “Đây là bữa sáng ở Hiroshima vào tháng 10 năm ngoái. Tôi thường dành một tháng ở nước ngoài mỗi năm và luôn chọn một điểm đến khác nhau. Tuy nhiên, tôi có thể quay lại Nhật Bản thay vì đến một nơi mới, chỉ với lý do này“.

Nhật Bản thống kê du khách có chi tiêu bình quân nhiều nhất đến từ Australia, Anh và Tây Ban Nha.

Elise Hodgson từ công ty lữ hành InsideJapan cho biết đây là thời điểm tuyệt vời để người Australia đi du lịch. “Tỷ giá hối đoái thuận lợi có nghĩa là đồng AUD có giá trị hơn, mang đến cho du khách cơ hội thử những trải nghiệm có thể là đắt đỏ vượt ngoài ngân sách trước đây”, bà giải thích.

Ví dụ, du khách có thể ăn uống tại các nhà hàng cao cấp và khám phá văn hóa ẩm thực sẽ có giá phải chăng hơn, cũng như nghỉ tại một Ryokan (nhà trọ Nhật Bản) theo phong cách truyền thống.

Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để rời khỏi các trung tâm du lịch lớn như: Tokyo, Kyoto và Osaka và khám phá những vùng ít được biết đến hơn, những nơi có khía cạnh hoàn toàn khác của đất nước này.

Gần đây, công ty lữ hành đã ra mắt hành trình “Hidden Zen” để đáp ứng nhu cầu của du khách muốn trải nghiệm cuộc sống và văn hóa địa phương ít người biết đến.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), trong 5 tháng đầu năm, số lượng người Australia đến thăm Nhật Bản đã tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu hàng tháng mới nhất cho thấy có 66.500 du khách Australia đến Nhật Bản vào tháng 5 năm nay, so với 46.223 vào tháng 5/2019.

Phát biểu hồi tháng 4, Giám đốc điều hành văn phòng JNTO tại Sydney, Naoki Kitazawa, cho biết: “AUD hiện mua được nhiều Yên hơn so với mức thấp mà chúng ta đã ghi nhận trong những năm trước khi kết thúc đại dịch, và tỷ giá hối đoái thuận lợi này giúp du khách Australia có khả năng chi trả tốt hơn khi đến Nhật Bản”.

Bà cho biết họ rất vui khi thấy người Australia cũng muốn đi du lịch ngoài mùa cao điểm và tìm đến những điểm đến ít được biết đến. Theo tỷ giá hối đoái thị trường hiện nay, một AUD đổi được 107 Yên.

Với Việt Nam, Nhật Bản cũng đang là điểm đến được nhiều người lựa chọn. Trong 5 tháng đầu năm 2024, lượng khách Việt đến Nhật Bản là 284.300 người, tăng mạnh 108,5% so với cùng kỳ năm 2023 và vẫn đang tiếp tục chiều hướng tăng mạnh. Giá tour hiện tại rẻ hơn năm 2019 khoảng 10% dù giá vé máy bay và một số dịch vụ ở Nhật Bản tăng do thiếu nhân công./.

Theo: news.com.au, vneconomy.vn