Maruya Hatcho Miso – Nhà máy chế biến Miso lâu đời và nổi tiếng nhất Nhật Bản

Trong hành trình du lịch Nhật Bản và khám phá các danh thắng nổi tiếng ở tỉnh Aichi, du khách có cơ hội ghé thăm Nhà máy Maruya Hatcho Miso. Tại đây, du khách được tận mắt khám phá quy trình chế biến tương Miso từ thủ công cho đến hiện đại.

Miso là một trong những nguyên liệu tinh túy trong Washoku (ẩm thực Nhật Bản). Tuy nhiên, bạn bè quốc tế thường biết đến Miso chủ yếu dưới dạng món súp mặc dù nó có nhiều ứng dụng khác nhau trong ẩm thực. Thành phần cơ bản trong Miso là đậu nành, và tùy thuộc vào loại Miso thì Kome-koji (mốc Koji gạo), Mugi (lúa mạch) hoặc muối cũng được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Là một loại thực phẩm lên men, Miso mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa và chứa nhiều chất chống oxi hóa giúp cơ thể chống lại các gốc tự do.

“Xứ Phù Tang” có nhiều loại Miso, mang đặc trưng của từng vùng. Tuy nhiên, Hatcho Miso nổi tiếng hơn cả nhờ được sản xuất theo phương pháp chế biến độc đáo, không thay đổi từ năm 1645 đến nay. Đó là một quá trình sản xuất ổn định kéo dài, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc chế biến.

Nhà máy Maruya Hatcho Miso là nơi sản xuất loại Hatcho Miso đã kéo dài hơn 400 năm. Maruya Hatcho Miso được thành lập vào năm 1337 tại Làng Hacho (hiện nay là thị trấn Hatcho) nằm cách Lâu đài Okazaki 870m, thuộc thành phố Okazaki, tỉnh Aichi. Maruya Hatcho Miso từng được các Samurai đánh giá cao như khẩu phần chiến đấu, được vận chuyển theo lệnh của gia tộc phong kiến ​​và nổi tiếng nhờ sự phát triển của tuyến đường Tokaido.

Nằm ẩn khuất trong một khu đất rộng đầy tĩnh lặng, Nhà máy Maruya Hatcho Miso có vẻ bề ngoài trầm buồn với tông màu tối đặc trưng của phong cách Nhật Bản. Tại khu trưng bày quy trình chế biến Miso từ thuở sơ khai, du khách có dịp “mục kích” từng chiếc xe cút kít chuyên vận chuyển những thùng đậu nành đến nhà máy, những chiếc thang gỗ, những chày cối giã… rồi cả một quy trình chế biến từ thủ công đến hiện đại qua bao thế hệ. Tất cả đều được mô phỏng bằng hình sáp chuẩn xác đến từng chi tiết, giúp khách tham quan hình dung một cách hoàn chỉnh nhất.

Theo quy trình chế biến gia truyền, đầu tiên là chọn lựa kỹ lưỡng những hạt đậu nành chất lượng tốt nhất và ngâm trong nước, hấp và nghiền nhỏ, vo thành hình những trái bóng tròn theo kích cỡ nhất định, sau đó đặt vào khuôn sau khi trộn đều với men. Quá trình này là một trong những chi tiết cốt yếu trong sản xuất Miso và ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm. Sau đó, người ta sẽ thêm muối biển loại ăn kiêng và nước tinh khiết vào đậu nành và trộn lên, đưa vào ủ trong những thùng gỗ sồi cao 1,8m được niêm phong cẩn thận.

Tại khu vực nhà kho của Nhà máy là hàng loạt thùng gỗ sồi truyền thống để chứa Miso. Ở đây, từng người một, những thợ thủ công dùng tay khiêng các viên đá lớn đặt lên nắp thùng gỗ theo hình nón.

Người đại diện nhà máy cho biết, từ trước đến nay, những hòn đá được xếp theo cách này chưa bao giờ sụp đổ ngay cả khi động đất. Dưới sức nặng và đè nén của 4 tấn đá biển trên miệng thùng, 6 tấn Miso ở dưới sẽ từ từ lên men, trở thành sản phẩm độc đáo dưới thời tiết nóng, ẩm ướt của mùa hè pha lẫn chút buốt giá của mùa đông vùng này. Thông qua quá trình dài chuyển hóa, chất muối sẽ điều hòa trong Miso, dịu đi mà không mặn nữa.

Sau 2 năm lên men trong thùng gỗ, sản phẩm sau cùng là một loại sốt đặc sánh dùng để làm tương, muối rau cải hay nấu chung với nước dùng để làm canh miso. Hatcho Miso sẽ có vị mặn cùng mùi thơm và hương vị đặc trưng của vùng này. Hiện Hatcho Miso chỉ chiếm 0,2% tổng lượng Miso sản xuất tại Nhật Bản. Sản phẩm có nhiều màu, từ trắng kem tới đỏ, nâu sẫm, đen; có năng lượng tự nhiên cao, thời hạn sử dụng dài và là món ăn ưa thích của nhiều người.

Nếu có dịp đến tỉnh Aichi trong chuyến du lịch Nhật Bản, nhất định du khách hãy ghé thăm Nhà máy Maruya Hatcho Miso cũng như thử thưởng thức Hatcho Miso nhé! Chúc du khách có một hành trình vui vẻ và đầy thú vị!